ENSO tác động như thế nào đến thời tiết, khí hậu Việt Nam?

ENSO là chữ viết tắt của các từ ghép El Nino và Dao động Nam (El Nino - Southern Oscillation ) để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina đặc trưng bởi dị thường nhiệt độ mặt nước biển, là hiện tượng trên đại dương và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương (Được gọi là Dao động Nam - dao động trong khí quyển) để phân biệt với dao động khí áp ở Bắc Đại Tây Dương).

ENSO, El Nino, La Nina, weathervn
So sánh phân bố nhiệt ở lớp bề mặt đại dương, hoàn lưu khí quyển trong khi ở trạng thái bình thường (A) và trạng thái El Nino (B)

Hiện tượng El Nino và La Nina ở đại dương có ảnh hưởng đến các quá trình hoàn lưu (gió) và chuyển động đối lưu trong khí quyển, tác động đến thời tiết, khí hậu toàn cầu khá đa dạng và phức tạp với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, đối với từng khu vực cụ thể, vẫn có thể xác định được những ảnh hưởng chủ yếu có tính đặc trưng của mỗi hiện tượng nói trên.
Hiện tương El Nino và La Nina thể hiện sự biến động dị thường trong hệ thống đại dương với quy mô thời gian giữa các năm, có tính chu kỳ hoặc chuẩn chu kỳ. Từ các biến động trong đại dương này, sau một thời gian sẽ tác động lên các quá trình trong khí quyển thông qua việc thay đổi đặc điểm hoàn lưu gió mậu dịch và khu vực đối lưu mạnh nhất. Nghiên cứu hiện tượng ENSO để hiểu biết về cơ chế vật lý, đặc điểm và quy luật diễn biến cũng như những hậu quả tác động của chúng, chúng ta có thể cảnh báo trước sự xuất hiện của ENSO, những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với thời tiết, khí hậu và kinh tế - xã hội để có những biện pháp phòng, tránh hiệu quả, hạn chế và giảm nhẹ thiệt hại do ENSO gây ra.
Trong hình trên, khi El Nino xảy ra, hoàn lưu gió mậu dịch vốn thổi từ đông sang tây nay yếu hơn và một số nơi, một số thời điểm thổi từ tây sang đông. Vùng mây, mưa, ẩm thường nằm ở khu vực Indonesia, Philippine nay chuyển sang khu vực giữa Thái Bình Dương. Do đó, mưa tại các nước Đông Nam Á, trong đó chủ yếu là Indonesia và Philippine giảm trong các năm El Nino.
ENSO, El Nino, La Nina, weathervn
So sánh sự khác nhau của hoàn lưu khí quyển trong hai pha El Nino và La Nina
Khi xảy ra hiện tượng La Nina, hoàn lưu gió đông mạnh hơn, vùng đối lưu kèm theo mây, mưa và ẩm lớn nhất quay trở lại vị trí thường thấy ở khu vực Indonesia, Philippine, Úc; thậm chí cường độ của đối lưu, mưa và ẩm ở khu vực này còn lớn hơn trong các năm trung bình.

Ảnh hưởng của ENSO đến lượng mưa ở Việt Nam
Mức thay đổi lượng mưa trong từng đợt ENSO được định nghĩa là hiệu số giữa tổng lượng mưa thực tế trong từng đợt ENSO với tổng lượng mưa trung bình nhiều năm của cùng thời kỳ, ở một địa điểm nào đó, biểu thị bằng %. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết các đợt El Nino gây thâm hụt lượng mưa ở hầu hết các vùng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, mức giảm phổ biến từ 25 đến 50%. Tuy nhiên, nếu xét cho từng khu vực nhỏ thì tác động này của El Nino là rất phức tạp, mưa ở nhiều nơi thuộc Đông Nam Á và Việt Nam hầu như không tăng, thậm chí còn giảm trong các năm El Nino. Trái lại, hầu hết các năm La Nina thì lượng mưa vượt trung bình nhiều năm ở hầu hết các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nam Bộ, nhưng gây ra thâm hụt lượng mưa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Đáng chú ý là, đa số các đợt El Nino gây ra tình trạng hụt mưa, song một số đợt El Nino đã cho những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24h và số tháng liên tục hụt mưa ở một số nơi, cho thấy ENSO nói chung và El Nino hay La Nina nói riêng làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam.


Khả năng dự báo sự tác động của ENSO đến các yếu tố và hiện tượng khí tượng thủy văn. Trên cơ sở phân tích mối quan hệ giữa các đặc trưng của ENSO với các yếu tố khí hậu và hiện tượng khí tượng thủy văn, có thể xây dựng được một số mô hình thống kê dự báo mùa (3 tháng) trên cơ sở các thông tin về ENSO đối với các yếu tố và hiện tượng khí tượng thủy văn như:
- Tần suất xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và Việt Nam.
- Nhiệt độ không khí trung bình và cực trị.
- Lượng mưa (tổng lượng và cực đại).
- Lưu lượng dòng chảy tại một số điểm trên lưu vực sông Hồng.
- Hạn hán.